|
Ảnh minh họa |
Mục tiêu của Đề án là làm cho
doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh
vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội
và quốc phòng, an ninh, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được
vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định
hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu
nhằm nâng cao sức cạnh tranh, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đối
với doanh nghiệp kinh doanh; hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các
sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội, quốc phòng, an ninh đối
với doanh nghiệp hoạt động công ích.
Phân loại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước theo 3 nhóm
Theo Đề án, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sẽ được phân loại theo 3 nhóm.
Cụ thể, nhóm 1, doanh nghiệp Nhà
nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong các lĩnh vực độc quyền nhà nước,
quốc phòng, an ninh; xuất bản; thủy nông; bảo đảm an toàn giao thông; xổ
số kiến thiết; sản xuất, phân phối điện quy mô lớn đa mục tiêu có ý
nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an
ninh; quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đô
thị; các cảng hàng không; cảng biển loại I; in, đúc tiền.
Nhóm 2, doanh nghiệp cổ phần hóa
mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoạt động trong các ngành,
lĩnh vực theo quy định tại Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg ngày 4/3/2011
của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh
nghiệp nhà nước.
Nhóm 3, các doanh nghiệp nhà
nước thua lỗ kéo dài, không có khả năng khắc phục sẽ thực hiện bán,
chuyển nhượng doanh nghiệp; tái cơ cấu lại nợ để chuyển thành công ty cổ
phần, công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên; giải thể, phá sản.
Việc tái cơ cấu doanh nghiệp
theo ngành, lĩnh vực không phân biệt cấp, cơ quan quản lý. Trước mắt,
trong các lĩnh vực xây dựng, thương mại, viễn thông, xuất bản, xổ số
kiến thiết, cấp thoát nước, môi trường đô thị, thủy nông, quản lý và sửa
chữa đường bộ, đường sắt, đường thủy…
Việc tái cơ cấu tập đoàn, tổng
công ty nhà nước được thực hiện một cách toàn diện từ mô hình tổ chức,
quản lý, nguồn nhân lực, ngành nghề sản xuất kinh doanh, chiến lược phát
triển, đầu tư đến thị trường và sản phẩm. Tổ chức lại một số tập đoàn
kinh tế, tổng công ty nhà nước cho phù hợp với thực trạng và yêu cầu
nhiệm vụ.
Sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp là một nhiệm vụ trọng tâm từ 2012-2015
Một trong các giải pháp mà Đề án
đưa ra là khẩn trương hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới
doanh nghiệp nhà nước đến năm 2015 của các Bộ, ngành, địa phương, tập
đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Xác định số lượng, danh sách cụ thể
các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100%, nắm giữ trên 75%, nắm giữ từ
65% đến 75%, nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ và các doanh
nghiệp khác. Trong quá trình thực hiện, căn cứ tình hình thực tế, tiếp
tục rà soát để đẩy mạnh cổ phần hóa.
Hoàn thiện tiêu chí, danh mục
phân loại doanh nghiệp theo hướng đẩy mạnh đa dạng hóa sở hữu; xác định
rõ những ngành, lĩnh vực khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước nằm giữ
trên 75%, từ 65% đến 75%, dưới 65% vốn điều lệ hoặc không giữ cổ phần.
Thực hiện cho được mục tiêu sắp
xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp theo các phương án đã được phê duyệt; coi
đây là nhiệm vụ trọng tâm trong các năm 2012 - 2015.
Chấm dứt đầu tư ra ngoài ngành trước năm 2015
Từng tập đoàn kinh tế, tổng công
ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trình Thủ tướng
Chính phủ; từng tổng công ty, doanh nghiệp do Bộ trưởng, Chủ tịch UBND
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập trình Bộ,
UBND tỉnh, thành phố Đề án tái cơ cấu để phê duyệt trong Quý III năm
2012.
Đồng thời, phải xây dựng phương
án tài chính để triển khai thực hiện nhiệm vụ chính được giao và xử lý
các tồn tại về tài chính trong quá trình tái cơ cấu.
Cụ thể, chấm dứt tình trạng đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính trước năm 2015.
Đối với các lĩnh vực: Ngân hàng,
tài chính, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm, các tập đoàn, tổng công
ty nhà nước thực hiện theo các hướng: 1- Bán phần vốn của công ty mẹ -
tập đoàn/tổng công ty nhà nước cho tổ chức, cá nhân ngoài tập đoàn kinh
tế, tổng công ty nhà nước, không bán hoặc chuyển giao lại cho các đơn vị
thành viên trong nội bộ; 2-Chuyển vốn về những tập đoàn kinh tế, tổng
công ty nhà nước, doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh phù hợp. Việc
chuyển vốn thực hiện thông qua hình thức chuyển giao vốn hoặc chuyển
nhượng vốn; 3- Chuyển toàn bộ doanh nghiệp do tập đoàn, tổng công ty giữ
100% vốn sang tập đoàn, tổng công ty có ngành nghề kinh doanh cùng với
ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp chuyển giao. Thực hiện dưới hình
thức chuyển nhượng doanh nghiệp hoặc chuyển giao nguyên trạng.
Những tập đoàn, tổng công ty nhà
nước đang có khó khăn về tài chính, một mặt cần làm rõ trách nhiệm của
cán bộ quản lý có liên quan, mặt khác cần cơ cấu lại vốn, tài sản theo
hướng: Đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu vốn để có cơ chế xử lý bổ
sung vốn cho tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư cấp bách, hạn chế thất
thoát vốn do kéo dài thời gian dự án; cơ cấu lại tài sản bằng cách
chuyển nhượng, sáp nhập các dự án, các khoản đầu tư không hiệu quả hoặc
chưa cấp thiết để tập trung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh chính.
Kiên quyết sắp xếp, cơ cấu lại
hoặc giải thể, phá sản những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, thua
lỗ kéo dài, mất khả năng thanh toán nợ đến hạn theo quy định.
Đơn vị nào không thực hiện được phải kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân
Quyết định nêu rõ, đối với các
Bộ quản lý ngành kinh tế kỹ thuật (Xây dựng, Công Thương, Thông tin và
Truyền thông, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông
vận tải) rà soát, đánh giá tính hợp lý, khả năng, điều kiện, cách thức
tổ chức lại, từ đó xây dựng phương án tái cơ cấu doanh nghiệp hoạt động
trong lĩnh vực phụ trách không phân biệt cấp, cơ quan quản lý, trình Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý III năm 2012 và chỉ đạo triển khai
thực hiện.
Các Bộ, ngành trình Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền thể chế, cơ chế quản
lý đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; thúc đẩy tái cơ cấu doanh
nghiệp và thể chế, cơ chế quản lý của chủ sở hữu nhà nước.
Đồng thời, tăng cường trách
nhiệm của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng
công ty nhà nước trong thực hiện tái cơ cấu, phương án sắp xếp, cổ phần
hóa đã được phê duyệt; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Đơn vị nào không thực hiện được
phải kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, người chịu trách nhiệm và chịu trách
nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
(Theo Chinhphu.vn)