Đây là một số điểm đáng chú ý trong đề án tái cơ cấu vận tải đường thủy nội địa đến năm 2020 được Bộ GTVT phê duyệt hôm 17-4.
Theo đề án, để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia kinh
doanh vận tải đường thủy nội địa cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến
khích theo hướng hỗ trợ 50% lãi suất ngân hàng đối với người kinh doanh
vận tải đầu tư đóng mới tàu đẩy, kéo có trọng tải 600 tấn và công suất
135 sức ngựa trở lên; tàu có trọng tải 200 tấn và công suất 135 sức ngựa
trở lên; tàu chở container từ 16 TEU trở lên tham gia vận chuyển hàng
hóa bằng đường thủy nội địa.
Đối với việc mua tàu chở khách, hỗ trợ 30 % lãi suất ngân hàng trong
đầu tư mua tàu chở khách hiện đại tốc độ cao đưa vào hoạt động trên các
tuyến đường thủy nội địa. Ngoài ra, hỗ trợ 20% lãi suất vay ngân hàng để
đầu tư mua sắm thiết bị xếp dỡ container.
Thêm một ưu đãi nữa là giảm 30% tiền thuê đất cho tổ chức cá nhân
thực hiện dự án đầu tư mua sắm thiết bị xếp dỡ, xây dựng cảng thủy nội
địa mới. Đồng thời, miễn lệ phí trước bạ đối với việc đóng mới tàu chở
hàng container.
Những cơ chế chính sách nói trên sẽ được Bộ GTVT xây dựng chi tiết để
trình Chính phủ phê duyệt nhằm thu hút tư nhân tham gia vận tải đường
thủy nội địa.
Cũng theo đề án này, từ nay đến năm 2020 sẽ xã hội hóa đầu tư xây
dựng cảng Phù Đổng (Hà Nội) thành cảng đầu mối khai thác container vận
tải bằng đường thủy nội địa kết hợp cảng ICD.
Năm 2016, sẽ thí điểm xã hội hóa cải tạo, nâng cấp tuyến kênh chợ Gạo
giai đoạn 2, sông Hàm Luông, sông Sài Gòn (đoạn từ cầu đường sắt Bình
Lợi đến cầu Bến Súc) theo hình thức hợp tác công - tư (PPP). Ngoài ra,
sẽ xã hội hóa một số dự án khác như cải tạo tuyến Vũng Tàu – Thị Vải –
Sài Gòn, Mỹ Tho – Cần Thơ, tuyến vận tải thủy vùng hồ Sơn La, tuyến sông
Đồng Nai.
Việc phát triển vận tải đường thủy nội địa sẽ giảm tải cho đường bộ
và giúp cân bằng các phương thức vận tải và giảm giá thành vận chuyển.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn.