Mở cửa...
Vào khoảng giữa năm 2014, theo chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
(DNNN), một loạt doanh nghiệp (DN) kinh doanh cảng biển như Cảng Hải Phòng, Đà
Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh đã tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng
(IPO) một cách dồn dập, tuy nhiên, kết quả đã không như mong đợi.
Lượng cổ phần bán được chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với lượng chào bán, tạo nên
hiện tượng "IPO và ế". Chỉ vài tháng, thị trường đã chứng kiến "gió đổi chiều",
đợt IPO lần 2 của cảng Đà Nẵng, năm nhà đầu tư cá nhân đã mua hết 13,2 triệu cổ
phần được chào bán, với giá bình quân 15.677 đồng/cổ phần, cao vọt hẳn so với
mức giá khởi điểm 12 nghìn đồng trước đó. Cảng Hải Phòng và Cảng Quảng Ninh cũng
"đắt khách" với đề xuất chuyển nhượng của Quỹ đầu tư Oman và Tập đoàn T&T.
Cuối năm 2014, phiên đấu giá cổ phần cảng Nghệ Tĩnh, 47 nhà đầu tư đã đăng ký
mua hơn 8,57 triệu cổ phần, gấp 2,2 lần số cổ phần chào bán. Công ty Vinpearl
(Tập đoàn Vingroup) đã đề xuất và được UBND tỉnh Khánh Hòa chấp thuận cho phép
mua lại toàn bộ số cổ phần trị giá 85 tỷ đồng của Vinalines tại Cảng Nha Trang.
Chưa hết, Vingroup tiếp tục đề xuất mua 80% số cổ phần Cảng Sài Gòn trước khi
Nhà nước thoái vốn với mức không thấp hơn giá IPO dự kiến diễn ra vào giữa năm
nay. Với Cảng Hải Phòng, Vingroup đề nghị mua lại 80% số phần vốn nhà nước với
giá mua không thấp hơn giá đấu bình quân mà các nhà đầu tư đã bỏ ra để trở thành
cổ đông của cảng.
Sở dĩ có hiện tượng "gió đổi chiều" này là do Chính phủ đã thay đổi chủ
trương, Nhà nước không cần nắm tỷ lệ chi phối tại các DNNN, thoái vốn sâu hơn
tại các cảng biển khi tiến hành cổ phần hóa. Việc Nhà nước nắm cổ phần chi phối
tại các DN cổ phần hóa vẫn bị đánh giá là cản trở khiến cho nhà đầu tư không mặn
mà với các đợt IPO. Khi nút thắt này được mở, sức hấp dẫn của DN đã được nâng
lên. Theo đó, Nhà nước chỉ giữ 51% vốn tại các cảng lớn như Hải Phòng, Quảng
Ninh, Đà Nẵng, Sài Gòn và nắm 49% tại các cảng Cần Thơ, Nghệ Tĩnh, Cam Ranh
(thay vì 75% như trước đó), các cảng còn lại có thể thoái vốn toàn bộ. Thậm chí,
Cảng Quảng Ninh (cảng lớn thứ hai miền bắc) đã được Tập đoàn T&T nhiều lần
có văn bản đề xuất Bộ GTVT được nhận chuyển nhượng 100% cổ phần Nhà nước tại
cảng.
Đơn vị chủ quản (Tổng công ty Vinalines) của Cảng Quảng Ninh đề xuất Bộ GTVT
cho phép chuyển nhượng toàn bộ 49 triệu cổ phần của cảng (hơn 98% vốn điều lệ)
mà Vinalines đang nắm giữ cho Tập đoàn T&T với giá 10 nghìn đồng/cổ
phần.
Số vốn khoảng 500 tỷ đồng để thay thế vai trò cổ đông chi phối, tuy không nhỏ
nhưng cũng không đến mức khiến tập đoàn T&T phải đau đầu.
Theo một nguồn tin, hiện Bộ GTVT đã chấp thuận đề xuất nêu trên. Đầu tư vào
cảng biển, nếu nhà đầu tư có năng lực quản trị tốt, sẽ thu lợi nhuận cao và bền
vững, còn Vinalines cũng có một khoản tài chính cần thiết giúp tái cơ cấu
DN.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, kinh doanh cảng biển đem lại tỷ suất lợi nhuận
trung bình 14%. Thống kê một số DN cảng biển đang niêm yết trên sàn giao dịch,
tỷ lệ lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần trung bình lên tới 29,5%. Đầu tư vào
cảng và thị trường tăng trưởng ổn định 10% đến 15% như hiện nay, đó là sự đầu tư
có khả năng sinh lời mơ ước của nhiều nhà đầu tư.
Tìm gì ở cảng?
Về lợi thế các cảng biển, tăng trưởng nhiều năm qua đều ở mức hai con số, nên
nhiều chuyên gia đánh giá, các DN đã "trông giỏ, bỏ thóc", tính toán rất kỹ, bởi
đầu tư mua cảng biển là cuộc chơi tốn tiền, nhiều của mà không phải ai cũng dám
làm. Việt Nam đang ngày càng mở rộng hợp tác, giao thương với các nước lớn, khu
vực trên thế giới, mặc dù phải bỏ ra cả "đống tiền" nhưng bù lại nhà đầu tư sẽ
thu về "bộn của". Tuy nhiên, trên thực tế, đến nay, hầu như các cảng trong nước
đều là cảng sông và cảng nhỏ, "không được xếp hạng" trên thế giới bởi cảng có
sản lượng hàng hóa vận chuyển từ một triệu TEUs/năm trở lên mới được xếp hạng
quốc tế. Vingroup và T&T đều chưa phải là những nhà vận hành cảng biển
chuyên nghiệp, chưa có hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn bó với việc sở hữu và
vận hành, khai thác những dịch vụ này, vậy động lực nào khiến hai "đại gia" này
bỏ ra một lượng vốn khổng lồ đầu tư vào những cảng nhỏ? Liệu kinh doanh cảng có
phải cái đích mà nhà đầu tư nhắm tới?
TS Chu Quang Thứ, nguyên Cục trưởng Hàng hải Việt Nam nhận định, hầu hết các
cảng biển đều ở vị trí đắc địa, ngoài cảng, khu xếp dỡ, chứa hàng, còn có một số
diện tích đất chung quanh thuộc quyền quản lý, khai thác của cảng và những mảnh
đất này rất giá trị, được coi là những khu đất vàng đối với các nhà đầu tư.
Nhiều cảng không có tàu vào lại rất được nhà đầu tư để mắt tới. Như vậy,
không khó để nhận ra, những khu đất "vàng" ngự ở ven biển hoặc ven sông đều có
thể chuyển mục đích sử dụng thành dự án bất động sản trong tương lai. Nếu chuyển
mục đích sử dụng sang cảng phục vụ du lịch hoặc bất động sản nghỉ dưỡng, đây
thật sự là một hướng đầu tư "thông minh". Trước đó, khi Tân Cảng Sài Gòn di dời
ra Cát Lái, 37 ha kho bãi của DN này đã được Vingroup xây dựng một khu đô thị
cao cấp gồm cả bến du thuyền và khu biệt thự ven sông. Hầu hết các cảng biển mà
Vinalines quản lý đều nằm tại các vị trí đắc địa, kết nối hoàn hảo với mạng lưới
giao thông, được đầu tư cơ sở hạ tầng bài bản, vận hành khá chuyên nghiệp. Đầu
tư vào cảng biển có nhiều sự hấp dẫn, nhưng nếu phân tích hoạt động của Cảng
Quảng Ninh, có thể thấy sự hấp dẫn không hẳn đến từ hoạt động kinh doanh chính
là khai thác cảng. Cảng có vốn điều lệ gần 500,5 tỷ đồng, hoạt động chính trong
lĩnh vực kinh doanh cảng và kho bãi, có thể phục vụ tàu trọng tải 75 nghìn DWT,
cơ sở hạ tầng gồm bốn kho (diện tích 10.700 m 2 ), bãi chứa hàng 142 nghìn m2 .
Tuy nhiên, từ năm 2011 trở lại đây, sản lượng hàng hóa vận chuyển tại cảng có xu
hướng "lao dốc không phanh". Tàu ra vào cảng mấy năm nay chủ yếu là tàu vận
chuyển hàng rời. Quãng đường vận chuyển bị kéo dài và thời gian chờ đợi lâu,
khiến các hãng tàu công-ten-nơ đã dần rời cảng ra đi. Năm 2016, khi Cảng quốc tế
Lạch Huyện (Hải Phòng) đi vào hoạt động, lượng tàu ra vào Cảng Quảng Ninh có
nguy cơ tiếp tục giảm.
Nhưng, với con mắt của nhiều nhà đầu tư bất động sản, hiếm có vị trí nào đẹp
như cảng Quảng Ninh. Cảng nằm trong vịnh Hạ Long, một vị trí tuyệt vời để xây
dựng khu căn hộ cao cấp giống như Vingroup làm ở Tân Cảng Sài Gòn, hoặc phát
triển thành khu du lịch. Quảng Ninh là vùng đất du lịch nổi tiếng cả nước, cảnh
sắc thiên nhiên hấp dẫn, nếu xây dựng và phát triển một khu du lịch ở đây, hẳn
không có gì lạ.
Với góc nhìn tích cực, việc đầu tư của tư nhân vào các cảng biển nhỏ và hiệu
quả thấp là chủ trương lợi cả đôi đường, khai thác được giá trị của bất động sản
và cung cấp cho thị trường, xã hội những sản phẩm tốt, thậm chí có thể làm thay
đổi bộ mặt của khu vực có dự án. Nếu vẫn kiên trì mục tiêu khai thác cảng, nhà
đầu tư cũng không có gì phải băn khoăn khi tăng trưởng hằng năm của cảng đều đặn
ở mức hai con số. Đặc thù các cảng là dịch vụ nên ở đâu dịch vụ tốt, nơi đó
nhiều khách hàng. Nhà nước chỉ bán quyền khai thác, điều hành quản lý, còn cơ sở
hạ tầng, giá cả vẫn do Nhà nước kiểm soát, nên chắc chắn sẽ không có chuyện độc
quyền. Các cảng hoạt động theo cơ chế thị trường, nếu DN nào độc quyền, đương
nhiên sẽ bị cơ chế thị trường tự nhiên " bóp chết".
Theo Nhân dân.