1.
10 giờ ngày 21 tháng 9 năm 2011. Tổng Công ty công nghiệp tàu thuỷ Bạch
Đằng hoàn thành việc hạ thủy chiếc tàu chở xi măng rời, trọng tải
14.000 tấn mang tên BRAVE đóng mới cho Công ty xi măng Nghi Sơn.
Tại
lễ hạ thủy ngoài việc đặt tên tàu, mẹ đỡ đầu đập Sâm panh, còn có thêm
một nghi thức mới, đó là chủ tàu cắt sợi dây nối từ sợi cáp của hệ thống
khoá giữ cho con tàu nằm an toàn trên triền đà bằng một chiếc búa đặt
trên tấm vải đỏ.
Thực
hiện nghi thức này không ai khác chính là nữ Chủ tịch Hội đồng quản trị
của Công ty xi măng Nghi Sơn Trần Minh Anh và cũng là chủ tàu. Sau nhát
búa được bổ xuống bằng một động tác dứt khoát, thời điểm phát lệnh hạ
thủy đưa ra để cho con tàu xuống nước.
Ông
Hoàng Văn Lược, Phó Tổng giám đốc Công ty xi măng Nghi Sơn trong bài
phát biểu đã nói rằng: “Thẳng thắn mà nói, khi chúng tôi quyết định ký
hợp đồng đóng tàu với Vinashin, Xi măng Nghi Sơn không khỏi băn khoăn -
Bởi đây là con tàu chuyên dùng mà Vinashin chưa có kinh nghiệm. Cho đến
khi Kenematsu (Nhật Bản) cộng tác với Bạch Đằng để đóng con tàu này thì
những băn khoăn của chúng tôi mới được giải toả…”
Có
lẽ vì thế mà lễ hạ thuỷ đã có thêm một nghi thức là Chủ tịch Hội đồng
quản trị của Xi măng Nghi Sơn cầm búa thực hiện cắt sợi dây để phát lệnh
hạ thuỷ. Bây giờ con tàu “nhiều băn khoăn” đã xuống nước an toàn. Nhát
búa này là thể hiện niềm tin của chủ tàu và cũng là sự khẳng định việc
công nhân Bạch Đằng có đủ năng lực và trình độ để khai sinh một seris
tàu mới dùng để chở xi măng rời cho liên doanh Nghi Sơn.
2.
Thời gian ký hợp đồng rồi tiếp đến là thi công con tàu chở xi măng,
Tổng công ty Bạch Đằng chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn
cầu. Không những khó khăn về tài chính, thiếu vốn, thiếu vật tư mà một
số chủ tàu đã bỏ hoặc xin giảm tiến độ. Tất cả những khó khăn này đã ảnh
hưởng lớn đến người lao động.
Tàu
chở xi măng rời đóng mới cho Nghi Sơn được thi công trong bối cảnh như
vậy, nên có thể nói, chiếc BRAVE ra đời trong điều kiện tổng hợp những
khó khăn của Bạch Đằng.
Về
mặt kỹ thuật, bản thiết kế do công ty AZ của Nhật Bản thực hiện. Tàu có
bề rộng lớn, mớn nước nông, phù hợp với địa hình của vùng biển Nghi
Sơn. Thiết bị hàng hải của tàu được lắp đặt hiện đại, có hệ thống thông
tin Inmarsat FB sử dụng Internet qua vệ tinh, buồng máy có thiết bị tự
động, không cần trực ca. Toàn bộ hoạt động của hệ thống thiết bị trên
tàu được giám sát qua hệ thống camera.
Chân vịt tàu thuộc loại biến bước (Controllable - pitch propeller) nên tiết kiệm nhiên liệu, tính năng hải hành cao.
Hệ
thống băng chuyền để xuất, nhập xi măng của nhà sản xuất Cargo Tech, có
công suất 1.000 tấn/giờ. Giám sát hệ thống xếp dỡ đều qua màn hình. Sơn
dùng cho tàu là loại không độc ít ảnh hưởng đến môi trường. Con tàu
được đặt tên theo nghĩa của tiếng Việt là Dũng Cảm (BRAVE).
Ngày
nay việc chở xi măng rời đã phát triển bằng phương pháp đóng các con
tàu biển chuyên dụng. Quá trình vận chuyển xi măng đều được sấy nóng
liên tục.

3. Công ty xi măng Nghi Sơn là đơn vị liên doanh giữa Việt Nam
và Nhật Bản, sản phẩm của Nghi Sơn là xi măng PCB-HO thuộc dòng chất
lượng cao. Sản phẩm này được sản xuất ở Thanh Hoá, nhưng tiêu thụ nhiều ở
phía Nam.
Sản lượng của Nghi Sơn đã đạt 4 triệu tấn/năm nên phải phát triển hình
thức vận tải thủy. BRAVE là con tàu mà Nghi Sơn hi vọng được nhận bàn
giao sớm. Tổng Công ty Bạch Đằng đã đặt tiến độ sẽ bàn giao cho Nghi Sơn
chiếc tàu này trong đợt thi đua 120 ngày đêm của 4 tháng cuối năm 2011.
Cùng với việc bàn giao tàu chở khí hoá lỏng Ethylene 4.500m3 xuất
cho Italy, tàu hàng 17.500 DWT và tàu chở container 1.700 TEU. Đó là 4
tàu đóng mới của Công ty mẹ, cộng với 6 tàu ở các Công ty thành viên
(Hải Dương, Diêm Điền, An Đồng). Như vậy toàn Tổng Công ty sẽ hoàn thành
10 con tàu đóng mới. Khí thế sản xuất của Bạch Đằng trong những tháng
cuối năm 2011, đang khẳng định việc lấy lại niềm tin với khách hàng
trong quá trình tái cơ cấu.
Chúng
ta sẽ được chứng kiến một Bạch Đằng với 50 năm kể từ ngày được thành
lập theo Quyết định số 577/QĐ của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ngày
25-6-1961 với hai lần được tuyên dương là đơn vị Anh hùng lao động. Một
Bạch Đằng được ví như cánh chim đầu đàn của công nghiệp đóng tàu, được
nguyên Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đặt tên gọi: Nhà máy đóng tàu
Bạch Đằng ngày 19 tháng 7 năm 1964, nhân dịp Thủ tướng đến dự khởi công
con tàu mang tên “20 tháng7”.
4.
Nghi thức biểu thị niềm tin của khách hàng trong lễ hạ thuỷ tàu chở xi
măng BRAVE đã đưa chúng tôi về với một Bạch Đằng trong quá khứ.
Ngày 30 tháng 10 năm 1995, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã gửi thư cho Đảng bộ Bạch Đằng có đoạn:
“Trong
công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, ngành công nghiệp nói
chung và công nghiệp đóng tàu nói riêng, giữ vị trí rất quan trọng. Đối
với các đồng chí, đó là điều vinh dự và cũng là nhiệm vụ rất nặng nề.
Mong các đồng chí phát huy truyền thống Anh hùng của nhà máy, ra sức học
tập, nâng cao trình độ mọi mặt, thường xuyên rèn luyện đạo đức, phẩm
chất cách mạng, tăng cường đoàn kết, nỗ lực phấn đấu lập nhiều thành
tích to lớn hơn nữa, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng”.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong lá thư đề ngày 28 tháng 10 năm 1995 gửi Bạch Đằng có đoạn:
“Tôi
mong các đồng chí không ngừng phát huy truyền thống vẻ vang khắc phục
những mặt còn tồn tại, yếu kém để xây dựng một nhà máy vững mạnh, luôn
xứng đáng với trụ cột của ngành công nghiệp đóng tàu nước ta tiến lên
công nghiệp hoá, hiện đại hoá”.
Những
lời căn dặn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với Bạch Đằng,
luôn được các thế hệ cán bộ, công nhân của đơn vị ghi lòng tạc dạ. Có lẽ
vì thế mà những con tàu thuộc loại hiện đại nhất của các khách hàng
trong và ngoài nước đều được Bạch Đằng đóng mới trong nỗ lực vươn lên,
làm chủ Khoa học công nghệ.
Chiếc
tàu chở xi măng Bạch Đằng đóng mới cho Nghi Sơn là loại mới, trang bị
nhiều thiết bị hiện đại; Bach Đằng đặt kế hoạch bàn giao trong năm 2011
“có kích thước dài 139,8m, rộng 25m, mớn nước 8m, lắp động cơ 5.300 mã
lực chưa phải lớn như những chiếc tàu mà Bạch Đằng đã hoàn thành. Xi
măng Nghi Sơn đã đặt niềm tin, bằng một nghi thức mà tiền lệ chưa có tại
lễ hạ thuỷ, đã làm cho mọi người có mặt một cảm giác yên tâm trong sự
hợp tác “ta đóng tàu cho ta”, xoá đi ấn tượng “bụt chùa nhà không
thiêng” ở sản phẩm nội.
Chúng
tôi mong con tàu mang tên “Dũng Cảm” - BRAVE sẽ bàn giao đúng hẹn trong
đợt thi đua mà Tập đoàn Vinashin đã phát động để có 60 sản phẩm trong
120 ngày cuối năm 2011 này./.
N.Đ.N -Tạp chí Vinashin