Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam,
nước ta hiện có 3.551 sông, kênh với tổng chiều dài lên đến 80.577 km
cùng với 3.260 km bờ biển, 124 cửa sông ra biển.
Mật độ và chiều dài sông, kênh lớn thứ 4 thế giới, riêng vùng Đồng
bằng sông Cửu Long đứng thứ nhất. Theo đánh giá đây là nguồn tài nguyên
rất lớn để khai thác giao thông vận tải thủy nội địa mà ít quốc gia có
được.
Tính toán của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải cho
thấy, vận tải đường thủy nội địa với ưu thế chuyên chở khối lượng hàng
hóa lớn, hàng siêu trường, siêu trọng, vận tải an toàn, hiệu quả (giá
cước chỉ bằng 20 - 25% các loại hình vận tải khác), đặc biệt là bảo vệ
môi trường....
Đây cũng là phương thức vận tải đang được nhiều nước công nghiệp ưu
tiên phát triển. Ở các nước Mỹ, Hà Lan, Bỉ, Đức... có trung bình khoảng
40 - 60% tổng khối lượng hàng hóa vận tải trên đường thủy nội địa.
Nhận thức được những lợi thế của vận tải thủy, những năm gần đây, Bộ
Giao thông Vận tải cũng đã phê duyệt một số đề án quan trọng như tái cơ
cấu lĩnh vực đường thủy nội địa, huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư
vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng đường thủy, đây được xem là nền tảng để
thực hiện định hướng phát triển, mở mang vận tải, tạo sức bật cho giao
thông đường thủy nội địa.
Cụ thể, trong giai đoạn 2010-2015, một số tuyến đường thủy chính đã
dược đầu tư nâng cấp, hiện nay vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 1.082 km
đường thủy, vùng Đồng bằng Bắc bộ có 462 km đường thủy, xây mới và nâng
cấp một số cảng chính, bến khách, bến hàng hóa.
Ngoài ra, tuyến vận tải ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang có tổng
chiều dài 1.558 km bờ biển đã và đang nâng cao năng lực vận tải thủy và
giảm tải đáng kể cho đường bộ.
Vận tải thủy hiện chiếm 18% thị phần vận tải hàng hóa, mức tăng
trưởng 5-6% mỗi năm. Tuy nhiên so với tiềm năng thì thị phần này vẫn
chưa tương xứng.
Ông Lê Huy Thăng, Tổng giám đốc Ban Quản lý các dự án Đường thủy (Bộ
Giao thông Vận tải) nhìn nhận, việc đầu tư vào đường thủy nội địa là rất
cần thiết.
Bởi khi đầu tư vào lĩnh vực này sẽ tiết kiệm vốn hơn rất nhiều so với
các loại hình giao thông khác, nhất là khi Việt Nam có tài nguyên giao
thông thủy rất lớn và phù hợp với tiến trình xây dựng đất nước hiện nay.
“Nhưng quan trọng nhất là việc đầu tư vào đường thủy nội địa sẽ duy
trì được nhịp độ phát triển năng lực vận tải và mang lại hiệu quả rất
lớn về kinh tế - xã hội khi giá thành vận tải sẽ giảm rất mạnh mà cạnh
tranh hàng hóa lại tăng cao”, ông Lê Huy Thăng nhận định.
Nhận định về những “lực cản” của đường thủy nội địa, Cục trưởng Cục
Đường thủy nội địa Việt Nam Hoàng Hồng Giang chia sẻ, hiện tại trên các
tuyến sông chính, hệ thống giao thông đường thủy đã thông suốt nhưng
trên các tuyến đường thủy nội địa kết nối thì vẫn còn tồn tại lượng lớn
cầu vượt sông có tĩnh không thấp, khoảng thông thuyền hẹp làm giới hạn
quy mô hoạt động của các phương tiện vận tải thủy.
“Cùng với đó, các tuyến đường vào cảng thủy hiện rất kém, mặc dù vận
tải đường thủy nội địa vốn là loại hình vận tải siêu trường, siêu trọng
nhưng hệ thống đường bộ lại chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải kết nối.
Bên cạnh đó, phương tiện bốc xếp tại các cảng, bến thủy hiện vẫn còn
rất thô sơ, lạc hậu và chưa cơ giới hóa nhiều. Đồng thời, số lượng cảng,
bến hiện nay là quá lớn so với mức cần thiết (trên 8.500 cảng, bến)
nhưng chất lượng hoạt động lại kém hiệu quả, từ đó gây ra nhiều hệ lụy
phức tạp và khó khăn trong quản lý hạ tầng giao thông thủy”, ông Hoàng
Hồng Giang phân tích thêm.
Giải pháp nào cho hạ tầng đường thủy “ bứt phá
Đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa trong
những năm qua đã được Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải quan tâm, tạo
điều kiện để đầu tư bằng các nguồn vốn khác nhau; trong đó các dự án từ
nguồn vốn ODA được đầu tư tổng thể và có quy mô đồng bộ, có tính liên
thông với các lĩnh vực khác.
Các dự án lĩnh vực đường thủy nội địa được Ngân hàng Thế giới (WB)
đánh giá cao vì tính lan tỏa xã hội, lãi suất đầu tư thấp, đa mục tiêu
và đặc biệt là sự hưởng lợi của các vùng dân cư nghèo, có điều kiện kinh
tế khó khăn, giúp hạ giá thành sản phẩm…, đặc biệt là khu vực Đồng bằng
sông Cửu Long và khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Về những dự án trọng tâm có ý nghĩa “then chốt” trong hệ thống đường
thủy nội địa huyết mạch của Việt Nam (dự án WB5, WB6, các tuyến hành
lang đường thủy nội địa và logistics), Tổng giám đốc Lê Huy Thăng chia
sẻ, hiện tại việc chuẩn bị cho dự án đáp ứng tốt tiến độ cũng như yêu
cầu.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của dự án này là nguồn vốn hiện tại;
trong đó cam kết của WB là 250 triệu USD vốn vay ưu đãi lãi suất thấp
nhưng nguồn vốn này đòi hỏi hoàn trả gốc và lãi thì hiện chưa có cơ chế.
Trong phạm vi dự án chỉ có một số hạng mục thuộc về logistics thì có
thể sử dụng nguồn vốn này theo hình thức PPP (hợp tác công tư), nhưng
phần lớn nội dung các dự án là cải tạo hạ tầng luồng lạch (chiếm từ 70 -
80% trong tổng thể kết cấu hạ tầng giao thông thủy). Đây là hạng mục
không thể xã hội hóa vì sẽ không thu phí đường thuy nội địa nhằm khuyến
khích phát triển vận tải thủy.
Tuy nhiên, Cục trưởng Hoàng Hồng Giang đánh giá, tổng mức đầu tư dành
cho đường thủy thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có,
chưa đảm bảo hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông thủy để đảm đương
khối lượng vận tải lớn chiếm thị phần 32,4% khối lượng hàng hóa vào năm
2020.
Cục trưởng Hoàng Hồng Giang cho rằng, việc giải bài toán về đồng bộ
hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông cho đường thủy nội địa cần kinh phí
rất lớn và trong bối cảnh ngân sách đang khó khăn hiện nay thì giải pháp
xã hội hóa kêu gọi vốn đầu tư mới có thể đáp ứng được. Tuy nhiên, việc
ngành đường thủy vốn có nhiều đặc thù thì kêu gọi xã hội hóa đầu tư cũng
không phải là việc dễ làm.
Theo ông Phạm Minh Nghĩa, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam,
để tìm nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực đường thủy nội địa hiện nay thì
nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước được xem là hữu hiệu nhất dù việc tìm
kiếm và huy động nguồn vốn này gặp rất nhiều khó khăn do tính chất đặc
thù, kém hấp dẫn các nhà đầu tư.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Tổng thư ký Hội cảng, đường thủy và
thềm lục địa Việt Nam , vận tải thủy bấy lâu nay không phát huy được lợi
thế giá rẻ là do hạ tầng chưa đồng bộ. Hàng hóa từ các cảng, bến thủy
nội địa phải qua vận chuyển đường bộ mới tới được nhà kho, tới được khu
công nghiệp nên chi phí bị đội lên nhiều, thời gian vận chuyển lâu hơn.
“Vì thế, muốn ưu tiên phát triển cho vận tải đường thủy phải giải
quyết được kết nối hệ thống giữa đường thủy với đường sắt”, ông Hải nêu
vấn đề và cho biết rất đồng tình với việc xã hội hóa mạnh đầu tư vào
lĩnh vực hạ tầng giao thông đường thủy, đề án kết nối đường sắt, đường
thủy, đường bộ giữa các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội - Phú Thọ
(Việt Trì) và đề án kết nối vận tải ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông
Cửu Long./.
Theo BNews.