Tuy nhiên, cảng chỉ hoạt động hiệu quả nhất trong 2 đợt nước thủy triều trong tháng, với tổng thời gian từ 6 đến 8 ngày/tháng. Thực tế này đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động của cảng Lễ Môn và các hoạt động hàng hải khác trên địa bàn.
Có mặt tại cảng Lễ Môn những ngày này dễ bắt gặp cảnh công nhân "túm năm tụm ba" chờ việc làm. Sở dĩ thời điểm này họ nhàn rỗi bởi không có tàu ra vào bốc xếp hàng hóa. Tại 2 khu vực bến cảng có chừng 6 con tàu có trọng tải khoảng 1.000 tấn/tàu đang chờ bốc hàng hóa lên tàu. Mọi hoạt động diễn ra không náo nhiệt, tấp nập như những bến cảng khác.
Tại khu vực bến tầu số 1, tàu Hải Bình 99 đang được bốc xếp hàng hóa để vận chuyển, tuy nhiên các hoạt động diễn ra chậm rãi. Ông Lê Văn Lương, Thuyền trưởng tàu Hải Bình 99 cho biết, tàu neo đậu tại cảng đã 3 ngày nay, sở dĩ không vội vàng trong bốc xếp hàng hóa bởi có làm xong sớm cũng chưa thể dời cảng. Ước chừng 1 tuần nữa nước thủy triều lên, khi đó, tàu mới ra khơi được.
Ông Nguyễn Văn Chắn, Trưởng đại diện Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa tại Lễ Môn cho biết, những ngày này không có nước thủy triều nên mọi hoạt động tàu, thuyền ra vào cảng gần như không có. Nguyên nhân chủ yếu bởi mực nước nông khiến tàu nặng không thể di chuyển qua.
Theo ông Chắn, đơn vị ông được giao quản lý luồng lạch phạm vi từ phao số 0 đến phao số 6 có khoảng cách chừng 22km. Cảng Lễ Môn nằm sâu trong nội địa, cách vị trí phao số 0 (cửa biển) chừng 16km, tàu thuyền muốn cập bến cảng Lễ Môn đều phải đi qua vị trí phao số 0. Tuy nhiên, mực nước tại khu vực phao số 0 luôn ở mức -0,2m khiến mọi hoạt động tàu thuyền dường như bị ngưng trệ, chỉ khi nào có thủy triều lên, mực nước dao động từ 3,2 đến 3,6 m thì tàu hàng từ 1.000 tấn trở lên mới ra vào cảng được.
Tuy nhiên trong 1 tháng chỉ có 2 đợt thủy triều với khoảng thời gian từ 3 đến 4 ngày/đợt, thời điểm này thuận lợi cho tàu hàng ra vào cảng, đồng nghĩa với việc trên 20 ngày/tháng không có thủy triều thì tàu hàng phải nằm tại cảng.
Trao đổi cụ thể hơn, ông Lê Huy Bảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Thanh Hóa cho biết, cảng Lễ Môn có năng lực bốc xếp khoảng 1.000 tấn/ngày đối với hàng bao và khoảng 2.500 tấn hàng rời/ngày.
Cảng Lễ Môn được đầu tư tương đối đồng bộ với đầy đủ thiết bị bốc xếp hàng hóa, kho tàng, bễn bãi đảm bảo năng lực thông quan hàng hóa, có khả năng phục vụ cho tàu có trọng tải khoảng 3.000 tấn.
Ông Bảng cho rằng, khó khăn lớn nhất đối với hoạt động của cảng Lễ Môn là luồng lạch ra vào cảng chỉ đón được tàu 1.000 tấn có mức mớm nước tối đa 3,4m vào những ngày thủy triều. Mặc dù cảng Lễ Môn có đầy đủ năng lực bốc xếp hàng hóa theo nhu cầu thông quan, nhưng việc tàu thuyền chỉ ra vào cảng được trong những ngày thủy triều nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch bốc xếp hàng hóa tại cảng.
Nhiều khi, những tàu chở trọng tải hàng lớn phải chuyển tải bớt tại khu vực cảng Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia). Ông Bảng tỏ ra lo ngại vì theo xu thế chung, trong tương lai không xa phần lớn tàu chở hàng đóng mới sẽ có trọng tải từ 2.000 tấn trở lên, khi đó nếu không có biện pháp nạo vét luồng lạch thì người lao động tại cảng Lễ Môn sẽ đứng trước nguy cơ không có việc làm.
Đại diện của 2 đơn vị này cho biết, tại khu vực phao số 0, bùn và cát được bồi đắp liên tục nên mực nước những ngày không có thủy triều luôn thấp. Trước những năm 1990 khu vực này được nhà nước đầu tư nạo vét, tạo điều kiện cho tàu thuyền di chuyển. Tuy nhiên, việc nạo vét luồng lạch cũng chỉ được thực hiện vài lần.
Nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa trong công tác nạo vét thông luồng, duy tu và nâng cấp tuyến luồng hàng hải Lễ Môn, tận thu cát nhiễm mặn để sử dụng trong nước và xuất khẩu, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã giao cho đơn vị chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thăng Long đảm nhiệm vào thời điểm cuối năm 2010.
Thực tế, Công ty này đã đảm nhiệm tốt công việc được giao trong thời gian đầu thực hiện dự án, góp phần không nhỏ trong cải tạo luồng lạch, thoát lũ trên địa bàn. Tuy nhiên, thời gian dài sau đó, việc nạo vét luồng lạch chỉ được Công ty thực hiện khi có đơn hàng mua cát, do đó quá trình nạo vét luồng lạch không được thực hiện thường xuyên, kết hợp với đặc điểm khu vực phao số 0 nhanh bị bồi đắp nên mực nước tại đây luôn duy trì ở mức thấp cũng là điều dễ hiểu.
Để hoạt động của cảng Lễ Môn được diễn ra thường xuyên, liên tục, Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa tại Lễ Môn và Công ty cổ phần Cảng Thanh Hóa đã nhiều lần đề nghị các cấp, các ngành hữu quan cho thực hiện các dự án nạo vét luồng lạch với quy mô lớn, đồng bộ, nâng cấp toàn tuyến luồng Lễ Môn đáp ứng phục vụ tàu trọng tải từ 2.000 đến 3.000 tấn.
Bên cạnh đó, Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa tại Lễ Môn đề nghị được nâng cấp hệ thống biển báo, đèn báo hiệu, đặc biệt là 21 phao tiêu dẫn đường hiện chưa có đèn nháy khiến tàu di chuyển ban đêm khó khăn./.
Theo VIETNAM+