Sáng 28/8/2014, Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm về “Đàm phán, ký kết, gia nhập và triển khai các điều ước quốc tế trong lĩnh vực hàng hải” để tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp vận tải biển.
Nhằm triển khai hiệu quả các điều ước quốc tế đã gia nhập và ký kết; lập kế hoạch gia nhập, ký mới các điều ước quốc tế khác.
Sáng 28/8/2014, Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm về “Đàm phán, ký kết, gia nhập và triển khai các điều ước quốc tế trong lĩnh vực hàng hải” để tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp vận tải biển có tàu hoạt động tuyến quốc tế cũng như của các cơ sở đào tạo và cho thuê thuyền viên, qua đó phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền của phía nước ngoài nhằm giải quyết dứt điểm khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo Phó Cục trưởng Bùi Thiên Thu, hoạt động hàng hải là lĩnh vực mang tính quốc tế hóa cao, ngoài pháp luật quốc gia, hoạt động hàng hải của mỗi nước còn được điều chỉnh bởi các điều ước, thỏa thuận quốc tế về hàng hải song phương, đa phương đã ký kết hoặc gia nhập. Do đó, việc ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế về hàng hải giữ vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hàng hải của mỗi quốc gia.
Phó Cục trưởng Bùi Thiên Thu cho biết, tính đến nay, Cục Hàng hải Việt Nam đã tham mưu gia nhập 16 công ước quốc tế và nghị định thư về hàng hải; đàm phán, ký Hiệp định Vận tải biển với 22 quốc gia; và đàm phán, ký thỏa thuận công nhận giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho thuyền viên theo quy định của Công ước STCW với 27 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện tại, Cục đang tiếp tục thúc đẩy việc tham mưu để gia nhập các công ước quốc tế khác về hàng hải; đàm phán các Hiệp định Vận tải biển; các thỏa thuận hợp tác và các thỏa thuận công nhận giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho thuyền viên theo quy định của Công ước STCW.
Phó Cục trưởng nhấn mạnh: Mục tiêu của việc tăng cường gia nhập, ký kết các điều ước quốc tế là nhằm tạo điều kiện thuận lợi để ngành Hàng hải nước ta từng bước hội nhập toàn diện, sâu rộng hơn với hoạt động hàng hải thế giới và khu vực; góp phần thúc đẩy tiến trình hoàn thiện pháp luật hàng hải Việt Nam phù hợp với xu thế phát triển của pháp luật thế giới; bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải biển có tàu hoạt động tuyến quốc tế, các cơ sở đào tạo, thuyền viên để làm việc trên các tàu nước ngoài.
Trong thời gian gần đây, và tại buổi tọa đàm, Cục HHVN đã nhận được nhiều ý kiến của các đơn vị, doanh nghiệp liên quan đến vướng mắc về cước phí vận tải biển, thủ tục ra vào cảng, cảng phí, các vấn đề liên quan đến thuyền viên mà các doanh nghiệp gặp phải khi tàu cập cảng nước ngoài. Một số vấn đề nằm trong phạm vi quản lý của Cục HHVN đã được giải quyết, tháo gỡ. Còn những vấn đề như: Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, đề nghị một số quốc gia tạo điều kiện thuận lợi cho tàu và thuyền viên, khi cập cảng, bằng cấp, chứng chỉ của thuyền viên… Cục HHVN đã và đang báo cáo Bộ GTVT cũng như xin ý kiến các Bộ ban ngành có liên quan để có hướng giải quyết, tháo gở khó khăn cho các doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, các doanh nghiệp cũng đã trao đổi về kinh nghiệm, kỹ năng đàm phán ký kết các điều ước quốc tế và mong rằng Cục HHVN, Bộ GTVT tổ chức nhiều hơn nữa những buổi Tọa đàm, để doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước có dịp trao đổi, đề xuất những khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động.
Theo Cuc hàng hải Việt Nam.