 |
Tàu chở đầy hàng ngay ngày công bố tuyến vận tải ven
biển Quảng Ninh - Quảng Bình |
Chủ tàu
thêm việc, chủ hàng bớt chi phí
“Điểm cộng” trong việc mở tuyến vận tải ven
biển Quảng Ninh - Quảng Bình là ngoài việc san sẻ gánh nặng cho đường bộ còn là
cơ hội cho chính các chủ tàu trong bối cảnh vô cùng khó khăn hiện nay. Phía các
chủ hàng, chi phí vận tải giảm mạnh cũng là cái được lớn nhất khi lựa chọn
phương thức vận tải ven biển này.
Ông Trần Văn Ly - Giám đốc Doanh nghiệp tư
nhân Đông Bắc cho biết, đơn vị có 2 tàu trọng tải 3.000 tấn tham gia tuyến Quảng
Ninh - Quảng Bình. “Trước kia, hàng nội địa không có, tàu của chúng tôi vẫn
“chạy chui” trên tuyến Bạch Long Vĩ - Trung Quốc mà không có bất kỳ một loại bảo
hiểm nào. Có rủi ro gì là mất trắng luôn. Giờ có cơ hội vào chạy trong tuyến ven
biển Quảng Ninh - Quảng Bình, có nguồn hàng, chạy đúng quy định, được đóng bảo
hiểm, chả dại gì mà phải chạy chui như trước” - ông Ly chia sẻ.
"Với việc mở tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh - Quảng Bình, mỗi
tháng sẽ giảm được hàng nghìn lượt phương tiện ô tô trọng tải 30 tấn lưu thông
trên các tuyến đường bộ. Điều này rất ý nghĩa trong việc góp phần giải quyết
tình trạng quá tải mật độ lưu lượng giao thông và tình trạng sử dụng các phương
tiện chở quá tải…góp phần đảm bảo ATGT, nâng cao tuổi thọ kết cấu hạ tầng giao
thông đường bộ”.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn
Công |
Ông Trần Đức Lanh - Giám đốc Công ty TMCP vận
tải Thái Hà khẳng định: Vận chuyển ven biển rất phù hợp với các tuyến vận tải cự
ly ngắn. Các nhà máy sản xuất vật liệu, khu công nghiệp thường nằm sâu trong nội
địa nên việc sử dụng tàu nhỏ vào sâu các cảng, bến thủy nội địa để chở hàng rất
thuận lợi. “Việc phát triển tuyến vận tải ven biển này vừa giúp giảm thiểu hư
hỏng cơ sở hạ tầng đường bộ, vừa giảm ô nhiễm môi trường do khói bụi và giảm ùn
tắc giao thông” - ông Lanh nói.
Cùng quan điểm, ông Trần Văn Luận - Giám đốc
Công ty TNHH Thương mại vận tải Hoàng Hải cho biết, công ty có 6 tàu trước vận
tải than nội địa. “Hàng hóa trên đường bộ thời gian qua bị ách tắc, một lượng
không nhỏ chuyển sang đường thủy. Chạy ven biển đang là cơ hội lớn, mang lại
nguồn thu ổn định” - ông Luận phấn khởi.
Phía chủ hàng, anh Nguyễn Mạnh Thắng -
Trưởng phòng kinh doanh Công ty Thái Hà cho biết, đơn vị anh thường xuyên có nhu
cầu chuyển than, xi măng, ngô, cọc bê tông, sắt xây dựng vào Hà Tĩnh, Quảng
Bình. “Trung bình, mỗi tháng, chúng tôi có nhu cầu vận tải khoảng 20.000 tấn
hàng các loại trên tuyến Quảng Ninh - Quảng Bình. Chuyển sang vận tải đường
biển, chi phí vận tải sẽ giảm khá nhiều. Nếu như lịch tàu ổn định, đi đường biển
vừa chở được khối lượng lớn, vừa rẻ, chả có lý gì mà chúng tôi phải đi đường bộ
như trước kia” - anh Thắng khẳng định.
 |
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cắt băng khai trương
tuyến tàu ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng
Bình |
Chia lại “miếng bánh” thị
phần
Trao đổi với PV Báo Giao
thông về việc mở tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình,
Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Nhật cho biết, hiện nay việc vận chuyển hàng
hóa giữa Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh chủ yếu bằng đường
bộ. Theo thống kê sơ bộ, mỗi tháng có khoảng 500.000 - 600.000 tấn hàng hoá có
nhu cầu vận tải trên tuyến. Các mặt hàng chủ yếu gồm: Bột đá, xi măng, than cám,
cát gạch, đất sét, xăng dầu, sắt thép, thiết bị, mangan… “Đi đường thủy, chủ
hàng được lợi nhiều do chi phí vận tải bằng đường thủy chỉ bằng 1/5 - 1/6 so với
phương thức vận tải đường bộ, trong khi thời gian vận chuyển chỉ lâu chừng gần 2
lần” - ông Nhật phân tích.
Trên thực tế, cước vận tải đường bộ từ Hải
Phòng đi Thanh Hóa cho một container 20’ vào khoảng 10-12 triệu đồng; đi Nghệ An
- Hà Tĩnh khoảng 18-20 triệu đồng, trong khi đó cước vận tải bằng đường thủy từ
Hải Phòng đi Thanh Hóa chỉ 2,4 triệu đồng, đi Nghệ An - Hà Tĩnh khoảng 3 - 3,2
triệu đồng. Thời gian vận chuyển từ Hải Phòng đi Thanh Hóa bằng đường bộ khoảng
6 giờ, trong khi bằng đường thủy khoảng 10 giờ.
Nhấn mạnh tuyến vận tải ven biển từ Quảng
Ninh đến Quảng Bình đi vào hoạt động sẽ giúp tăng cường kết nối, nâng cao năng
lực và hiệu quả của các phương thức vận tải để giảm tải cho vận tải đường bộ,
Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Văn Thành cho rằng, việc mở tuyến vận tải ven
biển sẽ góp phần thiết lập lại thị trường vận tải bình đẳng và có cơ cấu thị
phần hợp lý giữa các phương thức, đặc biệt là giải quyết hàng hóa ứ đọng tại
cảng biển.
Theo
giaothongvantai.com.vn