Tiếng Việt | English
  Giá sắt thép
K.Thước T.Chuẩn kg/tấm Giá bán(kg)
14x2000x6000 thép tấm 13400
20x2000x6000 SS400 13050
Xem giá tất cả
  Giá vàng
LoạiMuaBán
ĐVT: Triệu đồng/lượng
Nguồn: Sacombank
  BC thường niên BC tài chính
Biên bản họp ĐHCĐ thường niên năm 2015
CHƯƠNG TRÌNH HỌP ĐẠI HỘI CỔ ĐÔNG THƯỜNG NIÊN
Báo cáo tài chính năm 2013 (đã được kiểm tóan)
Báo cáo tài chính năm 2012
Liên kết website
 
TIN THỊ TRƯỜNG LOGISTIC, ĐÓNG MỚI, SỬA CHỮA

Tình hình và triển vọng của ngành đóng tàu thế giới

Trong ba quý đầu năm 2011, ba cường quốc đóng tàu trên thế giới là Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục chiếm gần hết thị phần về đơn đặt hàng đóng tàu trên thế giới (86,9%). Thị phần còn lại được dành cho các khu vực trên thế giới như châu Âu, châu Mỹ, châu úc, châu Phi, vùng Đông Nam á và vùng Nam á. Theo phân bổ địa lý thì cán cân ngành đóng tàu thế giới đang tập trung tại khu vực Đông Bắc Á.
Trong khoảng 9 tháng đầu năm 2011, tổng lượng đơn đặt hàng đóng tàu thủy trên thế giới chỉ đạt 23.57 triệu CGT, giảm 22,3% so với cùng kỳ năm 2010. Trong khi đó Hàn Quốc đã giành được tổng lượng đơn đặt hàng đóng mới là 12,07 triệu CGT, tăng trưởng 17,2% so với cùng kỳ năm trước.

Hàn Quốc đã vượt qua Trung Quốc và giữ vị trí hàng đầu thế giới trong quý 3 năm 2011 về khả năng tìm kiếm đơn đặt hàng đóng mới tàu thủy với lợi thế cạnh tranh trong các tàu thủy giá trị cao như tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), dàn khoan dầu khí...

Chúng ta đều biết, công nghiệp đóng tàu từ lâu đã là một trong những “đầu tàu” của nền kinh tế Hàn Quốc. Vào đầu những năm 2000, Hàn Quốc được biết đến là một cường quốc đóng tàu với việc nắm giữ trên 35% thị phần thế giới. Nhưng vào năm 2009, Hàn Quốc buộc phải nhường vị trí số 1 về số lượng đơn đặt hàng cho Trung Quốc, vốn nổi lên trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm của Hàn Quốc từ giữa những năm 2000. Tuy vậy, Hàn Quốc đang dần tìm lại vị thế của mình khi số lượng đơn đặt hàng và cả doanh số trong 9 tháng đầu năm nay đều đứng đầu thế giới.
 

Ngành đóng tàu Hàn Quốc nhận được số lượng đơn đặt hàng nhiều nhất thế giới

Theo số liệu của cục thống kê bộ kinh tế trí thức Hàn Quốc công bố ngày 19/10/2011: trong quý 3  năm nay Hàn Quốc giành hơn phân nửa số lượng đơn đặt hàng đóng mới tàu thủy thế giới với 2,47 triệu CGT (tấn trọng tải bù) với tổng giá trị 7,2 tỉ U$D, giảm so với quý 1/ 2011 có tổng lượng đơn đặt hàng là 4.08 triệu CGT và tổng giá trị là 16,2 tỉ U$D và với quý 2/2011có tổng lượng đặt hàng là 5,53 triệu CGT và tổng giá trị là 20,2 tỉ USD.

Trong khi đó, ngành đóng tàu Trung Quốc chỉ giành được tổng lượng đặt hàng đóng mới là 1,37 triệu CGT chiếm 27,8% thị phần đơn đặt hàng đóng mới của thế giới trong quý 3/2011.

Chỉ tính đến hết tháng 9 năm 2011, Hàn Quốc đang nắm giữ 12,7 triệu CGT (bao gồm 299 tàu đặt hàng đóng mới với tổng giá trị là 43,6 tỷ U$D) chiếm 51% thị phần, vượt xa so với Trung Quốc với 7,35 triệu CGT tương đương 31,2% thị phần và Nhật Bản với 1,11 triệu CGT tương ứng với 4,7% thị phần.

Thực tế, Hàn Quốc đã duy trì vị trí số 1 thế giới về đóng tàu cho đến trước khủng hoảng tài chính. Nhưng rồi Trung Quốc đã vượt qua Hàn Quốc và vươn lên đứng đầu thế giới trong 2 năm liên tiếp là năm 2009 và 2010. Những sản phẩm chủ yếu của ngành đóng tàu Hàn Quốc bao gồm tàu container, tàu chở dầu, chở khí gas tự nhiên hóa lỏng (LNG), tàu hoạt động xa bờ đều đem lại lợi nhuận lớn. Mục tiêu mà ngành công nghiệp đóng tàu của Hàn Quốc đặt ra cho năm nay là 50,9 tỷ USD.

Năng lực cạnh tranh của ngành đóng tàu Hàn Quốc

Năng lực cạnh tranh cao mới là nền tảng cho việc tăng thị phần của những hãng đóng tàu Hàn Quốc. Các công ty đóng tàu Hàn Quốc đã và đang tập trung vào những chiếc tàu công nghệ cao, có giá trị lớn kể từ năm 2000, đồng thời cũng dần nâng cấp cơ sở vật chất của mình lên. Một trong những thế mạnh của các công ty đóng tàu Hàn Quốc là không ngừng cải thiện chất lượng sản phẩm và phát triển mẫu mã tàu mới như LNG FPS, LNG RV và những chiếc tàu thông minh (smart ship) khác. Tàu được lắp máy phát điện chạy bằng sức gió ngoài khơi hay tàu chở dầu phá băng là những loại mà không phải nơi nào cũng sản xuất được. Hiện chỉ có các hãng đóng tàu Hàn Quốc mới có thể làm ra những chiếc tàu đặc biệt như thế cùng nhiều loại tàu khác đáp ứng theo đơn đặt hàng của chủ tàu.

Như vậy, chính năng lực cạnh tranh sẵn có đã giúp các hãng đóng tàu Hàn Quốc trỗi dậy. Những chiếc tàu chuyên dụng yêu cầu trình độ công nghệ bậc cao và Hàn Quốc lại sở hữu năng lực kỹ thuật và công nghệ sản xuất đẳng cấp thế giới, có thể đáp ứng được mọi nhu cầu về tàu công nghệ cao toàn cầu. Hơn nữa, với thế mạnh là 1 cường quốc thông tin, Hàn Quốc còn kết hợp công nghệ đóng tàu với công nghệ IT để phát triển những loại tàu mới như tàu thông minh có thể điều khiển từ đất liền và tàu chở dầu phá băng. Nhưng các chuyên gia đầu ngành đóng tàu cũng cảnh báo rằng công nghiệp đóng tàu Hàn Quốc không nên bằng lòng quá sớm với thành tích này vì vẫn còn nhiều thử thách đang đợi.

Những nguy cơ từ Trung Quốc

Hàn Quốc không nên vội tự mãn bởi một hãng đóng tàu của Trung Quốc mới đây đã giành được một đơn đặt hàng đóng tàu chở khí LNG. Đây là một thành công lớn với Trung Quốc bởi lần đầu tiên một công ty nước này đóng loại tàu giá trị gia tăng cao cho nước ngoài. Trước đó, họ thường chỉ sản xuất tàu chở khí LNG cho các công ty trong nước thôi. Nhiều người cho rằng đây là một cơ hội để Trung Quốc nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn nữa từ nước ngoài trong tương lai. Bên cạnh đó, số lượng hãng đóng tàu Trung Quốc đang tăng khá nhanh. Trong số 10 hãng đóng tàu hàng đầu thế giới có 6 công ty của Hàn Quốc, 3 công ty của Trung Quốc và một công ty Nhật Bản. Nhưng nếu danh sách đó mở rộng ra 100 công ty hàng đầu thì Trung Quốc sẽ chiếm gần 1 nửa với 46 công ty và theo sau là Nhật Bản, còn Hàn Quốc chỉ có 17 trong số 100 hãng hàng đầu đó thôi. 46 công ty Trung Quốc này là những đối thủ đáng gờm và sớm muộn cũng sẽ chiếm được số lượng lớn các đơn đặt hàng nhờ sự tích lũy kinh nghiệm cũng như tiềm năng về năng lực sản xuất to lớn. Đây chính là điều mà các hãng đóng tàu trên thế giới cần quan tâm.

Nhờ sự giúp đỡ hỗ trợ của chính phủ cùng nguồn nhân công giá rẻ, các hãng đóng tàu Trung Quốc mới đây đã nhận được một đơn đặt hàng đóng 4 chiếc tàu công nghệ cao, loại tàu chở khí LNG. Điều đó cho thấy công nghiệp đóng tàu của nước này đang dần chuyển từ đóng các loại tàu bình thường sang tàu giá trị gia tăng cao. Với việc chiếm gần một nửa trong số 100 hãng đóng tàu lớn nhất thế giới thì chắc chắn ngành đóng tàu của Trung Quốc đã sẵn sàng để “cất cánh” trong tương lai. Vậy ngành đóng tàu Hàn Quốc sẽ cần phải có những sách lược để duy trì được vị thế đi đầu của mình trong lĩnh vực lĩnh vực đóng tàu.

Xu hướng phát triển của ngành đóng tàu

Tình hình ngành đóng tàu thế giới ngày nay vẫn chưa thoát khỏi tình trạng cung vượt cầu ít nhất là đến năm 2014. Giá vận chuyển hàng hóa bằng đường biển giảm. Giá tàu đóng mới giảm, hiện tượng hủy hợp đồng, giãn thời gian giao tàu vẫn là hiện tượng phổ biến. Số lượng đơn đặt hàng đóng mới, nhất là các loại tàu thông dụng như tàu chở hàng rời, tàu chở dầu, tàu chơ container tiếp tục suy giảm.

Các hãng đóng tàu phải đối mặt với tình hình cạnh tranh rất gay gắt, đối mặt với các áp lực tái cấu trúc và sự thay đổi thân thiện với môi trường của các công ước hàng hải thế giới.

Làm thế nào để các hãng đóng tàu có thể tồn tại và phát triển trong tình hình khó khăn của ngành đóng tàu hiện nay?

Câu trả lời là cần tạo sự khác biệt, tập trung vào ưu điểm của nhà máy đóng tàu để giữ vị thế cạnh tranh. Điều này có thể đạt được nhờ những nỗ lực cải tiến nội lực, không ngừng cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm và công nghệ, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng. Một điểm cần đặc biệt lưu ý là thị trường thế giới gần đây đang thiên về loại tàu thân thiện với môi trường. Mới đây, Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) cho biết đã sẵn sàng áp đặt những quy định về môi trường chặt chẽ hơn, theo đó nhu cầu về tàu thân thiện môi trường sẽ càng ngày càng tăng lên. Bởi các quy định về môi trường đang được áp dụng với tất cả các loại tàu, nên các hãng đóng tàu có công nghệ cắt giảm được lượng khí thải và ô nhiễm tổng thể sẽ có một lợi thế đáng kể trong việc giành được đơn đặt hàng đóng tàu trong tương lai. Nói tóm lại, điều quan trọng là các hãng đóng tàu muốn tồn tại và phát triển cần phải phát triển được công nghệ và thiết bị giúp kiểm soát được ô nhiễm môi trường từ những chiếc tàu đi biển theo yêu cầu của chủ tàu, quy phạm và công ước hàng hải quốc tế.

Các viện nghiên cứu quốc gia ngành hàng hải của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước khu vực châu Âu đang tập trung nghiên cứu và lần lượt đưa ra thị trường các sản phẩm tàu thông minh và thân thiện với môi trường. Ví dụ như tàu chở hàng rời, tàu chở dầu, tàu chở container, tàu chở ô tô được trang bị hệ thống động lực có thể tiết kiệm tới 14% chi phí khai thác từ việc giảm chi phí nhiên liệu, giảm phát thải khí CO2 ra môi trường, sử dụng pin năng lượng mặt trời và lắp đặt hệ thống xử lý nước dằn (ballast). Các dòng tàu này sẽ dần thay thế cho các loại tàu truyền thống. Các con tàu thông minh này đã nhận được số lượng đơn đặt hàng đóng mới ngày càng tăng tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Bắc Âu nhờ mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư. Đây chính là xu hướng và là động lực mới định hướng phát triển ngành đóng tàu và công nghiệp hàng hải trong tương lai.

Các nhà máy đóng tàu của Việt Nam cần phải tổ chức lại, tái cấu trúc lại để sẵn sàng tiếp nhận theo hướng mua thiết kế kỹ thuật hiện đại từ các nước tiên tiến như Nhật Bản, Đan Mạch, Nauy, Đức...thực hiện liên doanh, liên kết với các đối tác truyền thống của Nhật Bản, khu vực Bắc Âu để tiếp nhận và đóng mới thành công các loại tàu thủy có giá trị gia tăng cao mới mang lại vị thế cạnh tranh trong ngành đóng tàu khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, các hãng đóng tàu trên thế giới cũng đang tập trung nghiên cứu nhằm phát triển công nghệ mới để sản xuất sản phẩm phụ trợ phục vụ ngành đóng tàu, nhất là đối với các loại tàu khai thác xa bờ. Những loại tàu này được dự đoán sẽ có số lượng đơn đặt hàng tăng lên khi nhu cầu khai thác tài nguyên xa bờ đang ngày càng cao. Tóm lại, nếu các hãng đóng tàu trên thế giới, trong đó có Việt Nam tập trung phát triển công nghệ tàu thân thiện với môi trường và tàu hoạt động xa bờ, thì họ sẽ có thể duy trì được xu hướng và giữ vững vị thế cạnh tranh trong lĩnh vực đóng tàu trên thế giới.

 

Vũ Minh Phú

Trưởng ban KTSXAT - Tập đoàn Vinashin
Các tin khác
  Quảng cáo