Tiếng Việt | English
  Giá sắt thép
K.Thước T.Chuẩn kg/tấm Giá bán(kg)
14x2000x6000 thép tấm 13400
20x2000x6000 SS400 13050
Xem giá tất cả
  Giá vàng
LoạiMuaBán
ĐVT: Triệu đồng/lượng
Nguồn: Sacombank
  BC thường niên BC tài chính
Biên bản họp ĐHCĐ thường niên năm 2015
CHƯƠNG TRÌNH HỌP ĐẠI HỘI CỔ ĐÔNG THƯỜNG NIÊN
Báo cáo tài chính năm 2013 (đã được kiểm tóan)
Báo cáo tài chính năm 2012
Liên kết website
 
TIN THỊ TRƯỜNG LOGISTIC, ĐÓNG MỚI, SỬA CHỮA

Vai trò của ngành công nghiệp tàu thủy đối với vận tải thuỷ nội địa

Theo nghị định 40/CP ngày 5 tháng 7 năm 1996 của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì Đường thuỷ nội địa bao gồm các tuyến đường thuỷ có khả năng khai thác giao thông vận tải trên các sông, kênh, rạch, cửa sông, hồ ven vịnh, ven bờ biển, đường ra đảo, đường nối các đảo thuộc nội thuỷ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Như vậy so với đường sông trước đây chỉ quản lý khai thác vận tải trên các con sông có chiều dài >10km thì khái niệm thuỷ nội địa đã được mở rộng. Ngành Đường thuỷ nội địa đã quản lý, khai thác tới 2.360 con sông lớn nhỏ với chiều dài tổng cộng 40.000km chưa kể diện tích các hồ chứa nước lớn như Hoà Bình, Thác Bà, Trị An, Dầu Tiếng…, các vùng châu thổ sông Hồng, Thái Bình, đồng bằng sông Cửu Long có mật độ 0,17-0,19km/km2 thuộc loại mật độ sông cao nhất thế giới, cùng với 3.260km đường bờ biển và đường ra đảo nối liền khoảng 4.000 đảo lớn nhỏ.

Với mạng lưới sông ngòi chằng chịt đã tạo nên hệ thống vận tải thuỷ đa dạng. Theo con số thống kê của Cục Đường sông Việt Nam, riêng năm 2010 khối lượng vận tải hàng hoá bằng đường thuỷ nội địa đạt trên 55 triệu tấn hàng hóa. Nhưng con số đó chưa thống kê đủ vì vận tải sông gồm rất nhiều thành phần tham gia, rất nhiều phương tiện, chỉ có thể lấy số liệu báo cáo của các công ty có sổ theo dõi còn các mảng phương tiện gia dụng của tư nhân như thuyền, bè nứa, thuyền gỗ… làm sao có thể thống kê nổi. Hàng năm đường sông đảm nhận hơn 30% khối lượng luân chuyển (T.km), tỷ lệ vận chuyển hành khách đạt 13,25%. Riêng ở đồng bằng sông Cửu Long, vận tải thuỷ đảm nhận khoảng 60-70% lượng hàng hoá khu vực. Đồng bằng sông Hồng, nơi có nhiều loại phương tiện giao thông khác nhau cũng đảm nhận tới 28% tổng khối lượng hàng hoá vận chuyển do ưu thế về giá cước vận tải thấp hơn nhiều so với các hình thức vận tải khác.

Do sự phân bố dân cư và các ngành công nghiệp, nông nghiệp, hoạt động vận tải thuỷ nội địa tập trung ở hai vùng đồng bằng Bắc bộ và Nam bộ. Hàng hoá vận chuyển chính là than đá, cát, vôi, vật liệu xây dựng, xi măng, phân bón.  Phía Nam chủ yếu là vận chuyển hàng bách hoá và nông sản thực phẩm.

Vùng biển và thềm lục địa nước ta rộng gấp ba lần diện tích đất liền. Tiềm năng phong phú về tài nguyên biển là điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo đường lối đổi mới. Để khai thác tiềm năng của biển và bảo vệ vững chắc vùng biển, đảm bảo an ninh quốc phòng là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng đòi hỏi các ngành, trong đó đặc biệt thường xuyên sử dụng, khai thác mặt nước cần có những đổi mới căn bản về nội lực, trang thiết bị hiện đại, phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ theo một thể thống nhất nhằm đầu tư phương tiện thuỷ, đóng mới và sửa chữa các loại phương tiện thuỷ theo một mô hình phù hợp với từng địa phương, phù hợp với từng vùng kinh tế, phục vụ đắc lực cho việc phát triển kinh tế xã hội nước ta trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI, vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, vừa đẩy mạnh nhịp độ lưu thông hàng hoá, hành khách vốn đã được phát huy do ưu thế đặc biệt của thuỷ nội địa được thiên nhiên ban tặng.

Theo định hướng chiến lược phát triển giao thông vận tải trong giai đoạn mới, việc tổ chức các phương tiện vận tải được ưu tiên số một. Đối với vận tải thuỷ, được xác định: “Đường thuỷ nội địa có vai trò phục vụ cho công nghiệp điện, vận chuyển than cho các nhà máy, vận chuyển hàng rời, hàng container, lash đến các vùng sâu, vùng xa. Vận tải hàng nội và liên vùng thay thế vận chuyển bằng đường bộ hoặc cùng vận tải đường bộ làm các nhiệm vụ vận tải nội vùng…”. Như vậy, ngoài những định hướng truyền thống, vận tải thuỷ nội địa đã và đang phát triển những loại hình sau:

- Vận tải hàng xuất nhập khẩu, đặc biệt là việc tiếp nhận vận chuyển container như một khâu quan trọng trong dây chuyền vận tải đa phương thức bao gồm việc rút hàng từ các cảng nội địa ra tàu biển, cảng biển, lấy hàng từ tàu biển vào các cảng nội địa.

- Vận tải hàng hoá Bắc – Nam cực kỳ quan trọng do sự ra đời của một loạt các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có nhu cầu lưu thông hàng hoá cao mà đường thuỷ nội địa có những thế mạnh hơn hẳn các phương thức vận tải khác.

- Vận tải khu vực hồ, đặc biệt là hồ Hoà Bình với chiều dài 193km phục vụ cho công trình thuỷ điện Sơn La và sau khi công trình này hoàn thành, chiều dài vận chuyển sẽ gần 300km đáp ứng cơ bản cho phát triển kinh tế, xã hội của các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình.

- Vận tải từ bờ ra các đảo và giữa các đảo, đặc biệt là các đảo có dân hoặc có kế hoạch di dân ra đảo sinh sống.

- Vận tải liên vận sang Trung Quốc, Campuchia, Lào sẽ tạo cầu nối cho việc phát triển hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các nước.

Để đáp ứng được các nhiệm vụ của thuỷ nội địa trong giai đoạn mới, một trong những yếu tố quyết định cho sự thành công của vận tải thuỷ nội địa là phải chú trọng đến việc phát triển đội tàu và nghiên cứu mẫu tàu phù hợp với từng loại hình vận tải. Không ai khác hơn, Tập đòan  Công nghiệp tàu thủy Việt Nam với bề dày kinh nghiệm và năng lực sẵn có về cơ sở đóng mới, sửa chữa các loại tàu hàng, tàu khách, tàu chuyên dùng sẽ đóng vai trò chủ lực cùng với các cơ sở đóng, sửa chữa phương tiện thuỷ của ngành Đường sông Việt Nam hy vọng sẽ góp cho ngành Vận tải thuỷ nội địa những phương tiện cần thiết đủ tiêu chuẩn chất lượng để thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chuẩn bị cho ngành hoà nhập với khu vực Đông Nam á và thế giới trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, đáp ứng được nhu cầu vận tải thuỷ theo dự báo của Viện Kinh tế chiến lược quốc gia.

Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020, và với mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt 7-7,5%/năm sẽ tất yếu đòi hỏi sự tăng trưởng nhu cầu vận chuyển hàng hoá bằng đường thuỷ nội địa. Dự báo nhu cầu vận tải nội địa như vậy đội tàu vận tải cũng phải được phát triển tương xứng. Dự báo nhu cầu đóng mới bổ sung, nhu cầu sửa chữa phương tiện thủy trong từng thời kỳ như sau:

Hiện nay công nghệ đóng tàu trong nước đã chế tạo được các loại tàu có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế như tàu chở hàng 6.500 đến 12.000 DWT, các loại tàu cao tốc 30 hải lý/h là loại tàu có thể phục vụ vận tải sông - biển. Tập đoàn cũng đang  triển khai đóng các loại tàu chở dầu 13.000 DWT – 70.000 DWT và các loại tàu chở dầu thô cỡ Aframax 100.000 DWT. Công ty liên doanh Hyundai – Vinashin là Nhà máy sửa chữa tàu biển lớn nhất khu vực Đông Nam á trong thời gian qua đã sửa chữa rất nhiều chủng loại tàu quốc tế với doanh thu khoảng 70 triệu USD/năm. Có thể nói công nghiệp đóng tàu lớn phục vụ vận tải đường dài trên biển của Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế của mình đối với thị trường trong nước và quốc tế.

Phục vụ thị trường trong nước, các nhà máy của Tập đoàn Vinashin đã đóng mới và có kế hoạch đóng mới tàu chở dầu và tàu chở khí hoá lỏng LPG có công suất từ 3.000 đến 30.000 DWT cho Công ty Vận tải dầu khí thuộc Tổng Công ty xăng dầu Việt Nam; các loại tàu chở dầu thô cỡ 100.000 DWT; các loại tàu chở xi măng cỡ 10.000 đến 25.000 DWT cho Tổng Công ty xi măng Việt Nam; các loại tàu chở quặng 5.000 – 20.000 DWT cho Tổng Công ty than Việt Nam; các loại tàu chở hàng tải trọng 5.000 – 30.000 DWT cho Tổng Công ty hàng hải, Tổng Công ty vận tải biển; các loại tàu hút bùn có công suất 1.000 – 5.000 m3/h cho các công ty công trình thủy… Ngoài ra còn có kế hoạch đóng các loại tàu đánh bắt và chế biến hải sản, các loại tàu chở khách cao tốc, các loại tàu tuần tra cao tốc phục vụ cho các ngành kinh tế và bảo vệ an ninh quốc phòng.

Như vậy vấn đề đặt ra: Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam sẽ có kế hoạch như thế nào trong việc chuyên môn hóa, hiện đại hóa các phương tiện vận tải sông?

Chủng loại tàu

2001 - 2010

2011 - 2020

Đóng mới (chiếc)

Sửa chữa

(lượt chiều)

Đóng mới (chiếc)

Sửa chữa (lượt chiều)

Tàu biển từ 1.00 – 100.000 DWT

270

2.548

535

4.025

Phương tiện vận tải thủy nội địa

2.400

13.107

4.000

32.000

Tàu Công trình (tàu nạo vét, cần trục nổi, tàu dịch vụ dầu khí...)

410

4.380

645

10.280

Tàu khách, tàu du lịch > 100 chỗ

876

7.500

1.180

17.500

Tàu đánh bắt hải sản > 100 CV

1.500

2.050

2.000

5.275

Theo định hướng chiến lược giao thông vận tải đến năm 2020, Đường sông Việt Nam được giao nhiệm vụ nâng cấp hầu hết các tuyến đường thủy chính một cách đồng bộ cả phía Bắc và phía Nam trong đó tuyến Quảng Ninh - Phả Lại – Hà Nội - Việt Trì và tuyến Quảng Ninh – Hà Nội – Ninh Bình cho các đoàn tàu có trọng tải tới 1.600 tấn; tuyến sông biển từ Lạch Giang đến Hà Nội và cửa Đáy đến Ninh Bình cho tàu 1.000 tấn; tuyến Việt Trì – Tuyên Quang – Hoà Bình cho tàu 200 tấn. ở phía Nam tuyến thành phố Hồ Chí Minh – Kiên Lương, thành phố Hồ Chí Minh – Cà Mau cho tàu tự hành 300, 1.000 và 1.200 DWT. Cùng với việc mở rộng, nâng cấp tuyến luồng, hệ thống cảng mà đặc biệt là các cảng chuyên dùng để bốc dỡ hàng container, cảng khách khang trang để phát triển vận tải hành khách phục vụ du lịch trên sông và các nhu cầu khác là một trong những yêu cầu mở để Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam có thể nghiên cứu tìm ra các giải pháp để đáp ứng các yêu cầu cụ thể. Qua thống kê cho thấy khối lượng vận tải ven biển tăng nhanh hơn vận tải sông và đồng bằng sông Cửu Long có tốc độ tăng nhanh hơn đồng bằng sông Hồng. Số T.km cho châu thổ sông Hồng là 1,7 tỷ, và sông Cửu Long là 1,8 tỷ. Vận tải ven biển tăng bình quân hàng năm 8% trong khi vận tải sông chỉ tăng 4,7%.

Về đội tàu, ngoài các yếu tố điều hành khai thác, để nâng cao năng suất của phương tiện cần tập trung giải quyết tốc độ chạy tàu đạt 12-18km/giờ đối với đoàn tàu kéo; 20-30km/h với tàu tự hành và 35-45km/h đối với tàu khách thường và 45-60km/h với tàu khách nhanh. Để làm được như vậy cần có sự điều hành, quản lý đồng bộ giữa khâu bảo vệ, nâng cấp luồng, hệ thống phao tiêu, báo hiệu, và mẫu tàu cho từng chủng loại phương tiện để đảm bảo an toàn chạy tàu. Về phía phương tiện, cần phải định hình hoá, phân loại theo nhu cầu các nhóm, đặc biệt chú ý đến:

- Đội tàu vận tải container nội địa với loại tàu trọng tải 250-400 tấn chở được 20-30 container loại 20 feet hoặc 10 container loại 40 feet. khoảng 30.000 tấn đăng ký.

- Đội tàu vận tải lash nội địa, trọng tải 3.000-5.000 tấn chuyên chở loại sà lan 100-200 tấn, chủ yếu chạy Bắc-Nam khoảng 15.000 tấn đăng ký.

- Đội tàu vận tải hành khách bao gồm: Tàu khách chạy thông thường, tàu khách nhanh, tàu khách tốc hành, tàu du lịch hoạt động trên các tuyến Quảng Ninh - Hải Phòng – Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh – Vũng Tàu – Năm Căn - Cần Thơ.

Về cơ sở vật chất ngoài các đơn vị lớn như Bạch Đằng, Hạ Long, Bến Kiền, Phà Rừng, Nam Triệu…ở phía Bắc, Công ty Đóng tàu Cam Ranh ở miền Trung. Công ty Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn, Saigon ShipMarin… ở phía Nam chuyên đóng mới và sửa chữa tàu biển vẫn có thể đảm nhận phần lớn các phương tiện thủy theo yêu cầu của vận tải thủy nội địa.

Vận tải thuỷ nội địa thế kỷ XXI đang có lợi thế rất lớn về nhiều mặt trong đó đặc biệt quan trọng là vốn đầu tư hạ tầng cơ sở ít, năng lực chuyên chở lớn và đương nhiên giá thành vận tải sẽ thấp nhất so với các loại hình vận tải khác. Tuy nhiên, để vận hành tốt phương thức vận tải này, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và lãnh đạo các Ban, Ngành từng địa phương nơi có các dòng sông chảy qua cần có các giải pháp đồng bộ để quản lý, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú này một cách hiệu quả để phục vụ cho công cuộc đổi mới giao thông vận tải Việt Nam giai đoạn 2000 -2020.

Với năng lực hiện có của mình, Tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam sẽ cố gắng đóng góp tốt nhất về mặt cung cấp đóng mới, sửa chữa phương tiện vận tải thủy để tiến tới tô màu cho bức tranh toàn cảnh về giao thông vận tải Việt Nam./.

Th.S Vũ Hữu Hùng - Tạp chí Vinashin

Các tin khác
  Quảng cáo