Logistics
ngày nay được xem như là một phần của hoạt động chuỗi cung ứng. Hiểu đơn giản,
chuỗi cung ứng là một sự sắp xếp giữa các công ty liên kết với nhau để đem sản
phẩm hay dịch vụ ra thị trường. Chức năng của logistics không chỉ là giao nhận,
vận tải mà còn gồm các hoạt động khác như kho bãi, lưu trữ hàng hóa, bao bì,
đóng gói, luân chuyển hàng hóa, xử lý hàng hư hỏng… Nếu logistics làm tốt sẽ
đảm bảo dịch vụ tốt hơn, chi phí thấp hơn nhưng lại hiệu quả cho DN và cả nền
kinh tế.
Tại
Việt Nam hiện có ít nhất 300.000 DN tham gia vào lĩnh vực này với khoảng 1,5
triệu LĐ đang làm nghề logistics, trong đó, TP.HCM chiếm khoảng 40%. Song,
nguồn cung cấp LĐ cho ngành logistics chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu.
Giám
đốc một công ty chuyên về lĩnh vực này tại Q.7, TP.HCM, cho biết: “Người làm
nghề này phần lớn đều là tay ngang, có cơ hội làm cho các công ty đa quốc gia
nên được những người có kinh nghiệm truyền nghề. Hàng tháng, công ty chúng tôi
tuyển dụng 5 - 10 nhân viên làm trong lĩnh vực này nhưng rất khó khăn. Bởi
người có kinh nghiệm thì đã có chỗ làm ổn định, sinh viên mới ra trường thiếu
kỹ năng mềm, ngoại ngữ… DN phải mất công đào tạo lại”.
Ông
Trần Chí Dũng, Trưởng ban đào tạo Viện Nghiên cứu & phát triển logistics VN
cho biết: “Có rất nhiều người làm công việc thuộc logistics, nhưng do thiếu cập
nhập thông tin nên họ không biết là mình đang tham gia vào lĩnh vực này. Khảo
sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM về chất lượng nhân lực logistics cho
thấy, 53,3% DN thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn và kiến thức về
logistics, 30% DN phải đào tạo lại nhân viên và chỉ có 6,7% DN hài lòng với
chuyên môn của nhân viên. Điều này cho thấy nguồn nhân lực logistics có chất
lượng quá thấp”.
TS Lê
Văn Bảy, giảng viên về logicstics cho rằng, các trường VN giai đoạn vừa qua
không chú trọng ngành này nên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Hiện, ĐH Giao
thông vận tải TP.HCM, ĐH Hàng hải (Hải Phòng) có mở ngành, nhưng do bản thân
ngành logistics rất rộng và đòi hỏi giáo viên cần có kinh nghiệm thực tế cao,
phụ huynh và học sinh chưa có nhận thức về ngành nghề nên việc phát triển quy
mô cũng như chất lượng đào tạo gặp khó khăn.
Nghề
thu nhập cao
Do
nguồn nhân lực logistics đang thiếu trầm trọng cũng như nhận thức của DN về vai
trò của logistics ngày càng cao nên những người được đào tạo và có kinh nghiệm
trong lĩnh vực này luôn là “điểm ngắm” của các DN. Chính vì vậy, thu nhập của
những người làm nghề này khá cao. Một nhân viên làm trong lĩnh vực này tiết lộ,
LĐ làm ở vị trí nhân viên lương từ 300 USD trở lên, làm ở cấp điều hành lương
1.000 USD trở lên và cấp quản trị thì mức lương từ 3.000 USD.
Chị
Đặng Huệ Chi - nhân viên quản lý khâu vận hành Công ty cổ phần Inter Logistics
chia sẻ: “Ngành logistics là ngành dịch vụ, có tầm hoạt động rộng ở mức độ toàn
cầu nên cần sự cẩn thận, cần cù, chịu khó, biết nhìn rộng để bao quát mọi vấn
đề. Khó khăn trong nghề cũng tùy thuộc vào từng khâu, từng công việc, ví dụ:
khâu chứng từ áp lực về thời gian hoàn thành, về áp dụng các quy định mới trong
quá trình xuất nhập khẩu hay vận chuyển; khâu hiện trường áp lực về sự minh
bạch khi đi làm hàng; khâu đại lý áp lực về chênh lệch múi giờ, về khác biệt
văn hóa…”.
Quyết
định số 175 QĐ-TTg ngày 27/1/2011 của Thủ tướng phê duyệt “Chiến lược phát
triển tổng thể khu vực dịch vụ của Việt Nam đến 2020” đã nêu rõ: “Coi
logistics là yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển sản xuất, hệ thống phân phối
các ngành dịch vụ khác và lưu thông hàng hóa”. Điều này cho thấy, việc phát
triển ngành logistics và nguồn nhân lực logistics đã trở thành chương trình cấp
quốc gia. Nhu cầu về nhân lực logistics trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục
tăng và sẽ thu hút hàng trăm nghìn nhân lực trẻ tham gia.
Theo BaoMoi