Trong cuộc trao đổi riêng với phóng viên báo Công Thương, Bộ trưởng Hilde Crevits cho biết, Flanders và Việt Nam đã duy trì các mối liên hệ tốt nhiều năm nay, chủ yếu trong lĩnh vực vận tải biển và vận tải nội địa. Với tư cách là vùng sở hữu nhiều cảng cửa ngõ của châu Âu như: Antwerp, ZeeBruge, Ghent... các doanh nghiệp Bỉ có khả năng tham gia trực tiếp vào các dự án phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển tại Việt Nam; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam về công nghệ và kinh nghiệm trong xây dựng mô hình chính quyền cảng; quản lý khai thác cảng biển cũng như phát triển dịch vụ logistics đồng bộ và hiện đại tại Việt Nam.
Bộ trưởng Hilde Crevits nhấn mạnh : "Trong chuyến thăm và làm việc về lĩnh vực cảng tới Việt Nam, chúng tôi đã thúc đẩy quảng bá kỹ năng về cảng biển ra nước ngoài. Một trong những mục tiêu của lĩnh vực cảng vùng Flanders là tăng thị phần tuyến đường trao đổi thương mại đang ngày càng tăng giữa Châu Á và Tây Bắc Châu Âu.".
Việt Nam là một nền kinh tế phát triển mau lẹ. Đất nước đang phải đối mặt với những thách thức lớn về phát triển, xây dựng và quản lý cảng. Theo đó, Việt Nam có thể dùng vận tải nội địa để đáp ứng xu hướng phát triển xuất khẩu. Trong khu vực cảng Flanders, cảng vụ vùng Flanders, các công ty tư nhân và Chính quyền của Flanders cam kết tích cực phổ biến và chia sẻ kiến thức về hậu cần và cửa khẩu.
Theo đó: "Flanders có nhiều kinh nghiệm và sẵn sàng chia sẻ bí quyết với các đối tác Việt Nam. Bằng nhiều năm tháng hữu nghị và sự hiểu biết kỹ thuật của Bộ Giao thông và Công trình công cộng vùng Flanders và Cơ quan Kỹ thuật Quốc tế Flanders, chúng tôi có đầy đủ tất cả mọi thứ để làm những việc đó. Tôi tin tưởng rằng sự hợp tác này sẽ có tác động tích cực trong cả hai vùng; Flanders và Việt Nam, cũng như trong toàn bộ khu vực sông Mekong. Flanders sẽ trở thành cảng đầu tiên đến châu Âu đối với họ. Điều này có nghĩa là ta chọn được đường vào một thị trường 500 triệu người tiêu dùng châu Âu thông qua một trong bốn cảng biển vùng Flanders" – Bộ trưởng cho biết.
Được biết, trong chuyến thăm lần này, nhiều thỏa thuận hợp tác giữa các cảng Antwerp và Zeebrugge, cùng công ty đầu tư Rent-A-Port và Tân cảng Sài Gòn đã được ký kết.
Các đối tác này sẽ hợp tác trong dự án nhằm giao nhận hiệu quả hàng khô và hàng chất lỏng tại cảng Lạch Huyện. Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn là một công ty cung cấp dịch vụ hậu cần hàng hải lớn. Với thị phần 50% về bốc dỡ công-ten-nơ ở Việt Nam và tới 80% ở phía Nam Việt Nam, Tân cảng Sài Gòn cũng là nhà khai thác cảng hàng đầu.
Với việc trung chuyển 184 triệu tấn, Antwerp là cảng lớn nhất ở vùng Flanders và cảng lớn thứ hai ở Châu Âu. Cảng Zeebrugge là cảng biển lớn nhất vùng Flanders và do đó chia sẻ nhiều điểm tương đồng với cảng nước sâu Lạch Huyện. Rent-A-Port là một công ty đầu tư cảng tư nhân chuyển giao kỹ năng về cảng tới Châu Phi, Trung Đông và Châu Á.
Các cảng Antwerp, Zeebrugge và Rent-A-Port sẽ hỗ trợ Tân cảng Sài Gòn trong việc soạn thảo một kế hoạch kinh doanh để trở thành công ty dẫn đầu thị trường về giao nhận hàng khô và hàng chất lỏng. Ngoài ra, các đối tác sẽ tìm kiếm những khả năng cùng đầu tư vào một cảng hàng rời mới ở Lạch Huyện. Các cảng Antwerp và Zeebrugge cũng muốn thu hút các hãng tàu lớn chở hàng rời trực tiếp từ Việt Nam tới Flanders thông qua quan hệ đối tác này.
Bên cạnh đó, cũng trong chuyến thăm này, cảng Zeebrugge đã ký kết một hợp đồng tại Việt Nam với Hiệp hội Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP). Theo hợp đồng này, tất cả cá tra phi lê xuất khẩu Việt Nam sẽ được phân phối thông qua một trung tâm phân phối châu Âu tại Zeebrugge.
Cảng Zeebrugge sẽ đóng vai trò là trung tâm phân phối, maketing và xây dựng thương hiệu cho cá tra tại thị trường EU. Hiệp hội VASEP sẽ hợp tác với các Bộ, ngành liên quan ở Việt Nam và cung cấp các thông tin cần thiết cho Ban điều hành cảng Zeebrugge cũng như cho các công ty logistic chuyên về thực phẩm tại đây. Đồng thời, cảng Zeebrugge sẽ phối hợp với các tổ chức chính phủ, các tổ chức đầu tư và thương mại vùng Flanders, tiếp tục xây dựng các quy phạm pháp luật và thiết lập các định chế tài chính cho Hệ thống phân phối cá tra của Việt Nam.
Bộ trưởng Hilde Crevits đặc biệt nhấn mạnh rằng , đến năm 2014, sẽ có tuyến tàu biển trực tiếp từ Việt Nam đến cảng, rút ngắn đáng kể thời gian và chi phí vận chuyển. Vì vậy, trong tương lai, có thể xuất khẩu tôm của Việt Nam cũng sẽ được phân phối qua Zeebrugge này.
Nguồn Báo Công Thương Điện Tử